Hết điện ắc-quy là tình huống thuộc loại sợ hãi nhất với những người chưa có nhiều kinh nghiệm đi ôtô bởi bỗng dưng động cơ, thiết bị điện trong xe không hoạt động mà chủ nhân không hiểu tại sao.
Các kỹ thuật viên từ công ty TNHH Ắc-Quy GS Việt Nam đang chăm sóc ắc-quy cho xe ô tô tham dự Car Care Day. |
Ôtô thường sử dụng ắc-quy chì, là nguồn cung cấp điện khi động cơ chưa (hoặc không) hoạt động. Khi chủ nhân quên tắt thiết bị nào đó (như đèn pha, xi-nhan) mà không có chế độ tự động thì sau một thời gian, ắc-quy sẽ hết điện. Khi cần nổ máy, ắc-quy không đủ năng lượng vận hành bộ khởi động.
Giải pháp đầu tiên nghĩ đến là gọi về trung tâm cứu hộ. Nhưng chúng ta cần chuẩn bị những tình huống ở nơi xa trung tâm. Với xe số sàn có thể dùng biện pháp đẩy nổ. Nhưng xe số tự động chỉ còn cách đấu nối. Vì vậy hãy luôn có bộ dây câu bình trong xe đề phòng. Khi thao tác cần tuân theo những quy tắc nghiêm ngặt vì dễ gây ra chạm chập cháy nổ.
Lưu ý khi thao tác các đấu nối với đầu cọc ắc quy:
Theo các kỹ sư của công ty Ắc-Quy GS Việt Nam, trong trường hợp sử dụng bình từ một xe khác, hãy tránh cho 2 xe chạm nhau. Để kết nối, cần 2 dây dẫn chịu tải lớn, tốt nhất là loại chuyên dụng vì chúng thường có đầu kẹp chắc chắn, hạn chế phát sinh tia lựa điện và có 2 màu phân biệt, thường là đỏ và đen. Quy định dây đỏ dùng để đấu dương (+), dây đen đấu âm (-). Việc sử dụng hỗn loạn dễ nhầm lẫn, gây hư hại cho ắc-quy, hệ thống điện trên xe và có thể gây ra hỏa hoạn.
Nhiều xe ôtô đã được hãng GS “cứu hộ” bằng dây câu bình và bằng cách nạp thêm điện tại chỗ bằng máy chuyên dụng. |
Ông Masaya Nakagawa, Tổng giám đốc công ty TNHH Ắc-Quy GS Việt Nam cho biết: “Theo thống kê từ các kỹ sư GS, trên 70% khách hàng tham gia trong ngày hội Car Care Day tại cả 2 TP HCM và Hà Nội ít quan tâm đến việc chăm sóc bảo dưỡng ắc quy. Qua tư vấn tận tình của chúng tôi, khách hàng đã có thể tự làm các bước cơ bản để chăm sóc ắc quy hay tự cứu hộ khi cần thiết”
Quy trình đấu nối được thực hiện thành một vòng tròn, bắt đầu từ cực dương ắc-quy yếu điện.
1. Gắn một đầu dây đỏ với cọc dương của ắc-quy chết. Cọc dương của ắc-quy thường to hơn cực âm, có ký hiệu là dấu (+). Một số trường hợp bạn cũng có thể phân biệt bằng nắp đẩy phía trên, màu đỏ tương ứng với cọc dương.Chú ý đầu dây đỏ không để chạm đất hay chạm vào thân xe vì rất nguy hiểm.
2. Nối đầu còn lại của dây đỏ với cọc dương (+) của ắc-quy kích. Đừng ngại khi phải di chuyển nhiều lần. Vì đây là biện phát tốt hạn chế chập cháy dù trong bất kỳ trường hợp nào.
3. Gắn một đầu dây đen với cọc âm (-) của ắc-quy kích.
4. Nối đầu đây đen còn lại với bộ phận bằng kim loại không sơn trên thân động cơ. Nếu đấu trực tiếp đầu dây này với cọc âm của ắc-quy chết có thể phát sinh tia lửa điện, kết hợp với khí hydro tạo ra gây cháy, nổ.
Trên một số dòng xe bố trí bình điện ở khu vực khó tiếp cận, thường có thêm đầu kết nối với ắc-quy kích. Trong trường hợp này không nên lạm dụng cách đấu nối trực tiếp với bình mà hãy dùng đầu kết nối.
5. Nếu sử dụng ắc-quy của một xe khác để kích nổ. Sau khi thực hiện tuần tự 4 bước trên, hãy khởi động xe này và cho động cơ hoạt động ở chế độ không tải nhanh (ga lớn) (1.200 – 1.500 vòng/phút) trong vài phút. Điều này giúp nạp thêm điện cho ắc-quy kích, đồng thời giảm được dòng điện phóng từ ắc-quy kích sang ắc-quy chết.
6. Bây giờ bạn có thể khởi động xe (có ắc-quy chết). Nếu bình không bị nứt vỡ, dây dẫn tốt, và không có vấn đề gì với máy khởi động, hệ thống đánh lửa thì xe sẽ khởi động được.
7. Ngay khi động cơ khởi động, hãy ngắt kết nối dây kích với bình. Đừng để 2 đầu dây chạm vào nhau hoặc dây dương chạm vào thân xe.
8. Duy trì cho động cơ chạy chừng 20 – 30 phút, trong thời gian này hãy tắt đèn, máy sưởi, điều hòa và các thiết bị điện khác để tất cả điện năng từ máy phát dồn vào nạp cho ắc-quy.